Các nhà khoa học Hàn Quốc đã biến hại thành lợi khi tìm ra cách tận dụng khí nhà kính để sản xuất ra một sản phẩm đa dụng là chất dẻo, thông tin của hãng thông tấn Nga ITAR-TASS cho hay.
Сác chuyên gia tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang (POSTECH), Hàn Quốc đã tạo ra một chủng men mới - men carboanhydrase - xúc tác cho phản ứng hidrat hóa khí cacbonic để thu được nguyên liệu dùng để sản xuất chất dẻo, nhựa, sơn và da nhân tạo. Thông tin này được Bộ lãnh thổ và lãnh hải Hàn Quốc công bố trong một cuộc họp báo. Các nhà khoa học cho biết men carboanhydrase hiện điều chế bằng phương pháp hóa học, cho phép áp dụng trong công nghiệp việc chuyển hóa khí cacbonic lấy từ khí quyển.
Hiện nay, việc dùng men carboanhydrase vào mục đích thương mại còn bị hạn chế vì giá thành của nó còn quá cao. Cho tới nay người ta vẫn phải điều chế men này từ huyết thanh của máu bò, nên giá của 1 gam chất này lên tới 3.000 đôla Mỹ.
Nếu triển khai được phương pháp mới để thu được carboanhydrase thay thế cho phương pháp hiện có để đưa vào công nghiệp thì mới có khả năng làm giảm được hàm lượng khí cacbonic trong khí quyển.
Tuy nhiên họ cũng tin rằng nếu công nghệ này được áp dụng rộng rãi thì sẽ mở ra một hướng hoàn toàn mới để giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu toàn cầu mà khí cacbonic là nguyên nhân chính của hiệu ứng nhà kính làm Trái đất đang bị nóng lên.